Tập trung phát triển ngành vi cơ điện tử

Tập trung phát triển ngành vi cơ điện tử
Ngày đăng: 04/11/2020 08:36 PM

    Khách hàng tham quan triển lãm thiết bị công nghiệp vi mạch tại TP Hồ Chí Minh.

     

    Vi cơ điện tử (MEMS) là ngành công nghệ cao được TP Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư phát triển trong những năm qua. Đây là một trong tám trụ cột của Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và được xem là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

    Xác định tầm quan trọng của công nghệ MEMS, thời gian qua, thành phố đã ký kết với các đơn vị trong nước và tổ chức quốc tế để thành lập Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn, đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực MEMS. Thành phố đã thông qua các hình thức ký kết với các trường đại học, viện, công ty tại Nhật Bản để đào tạo nguồn nhân lực về MEMS. Tăng cường hợp tác nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ các nước và tập trung thu hút đầu tư gắn với chuỗi liên kết, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm MEMS sản xuất trong nước.

    Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai (Trung tâm R&D) thuộc Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) được Nhật Bản chuyển giao thiết bị MEMS cảm biến - biến dạng đo độ rung chấn của cầu đường. Đây là công nghệ tiên tiến gắn dưới các cây cầu, khi có xe đi qua, cảm biến - biến dạng sẽ đo được độ rung và trọng tải của xe, qua đó đưa ra những cảnh báo về độ an toàn ở các cây cầu. Từ việc chuyển giao này, Trung tâm R&D đang nghiên cứu chế tạo, sản xuất. Sau khi hoàn thành, chip cảm biến - biến dạng sẽ được gắn vào những cây cầu ở thành phố để đo độ rung chấn, cũng như gửi những cảnh báo từ thiết bị cho các đơn vị theo dõi.

    Giám đốc Trung tâm R&D Ngô Võ Trí Thành cho biết, từ việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài, Trung tâm đã nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Chẳng hạn, việc nghiên cứu, cải tiến và thương mại hóa sản phẩm cảm biến chống ngập, trong năm qua, trung tâm đã lắp đặt thí điểm cảm biến dự báo ngập ở gần 30 điểm trên địa bàn thành phố và kết quả mang lại rất tốt. Từ kết quả này, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố vừa mới đặt hàng Trung tâm R&D năm thiết bị cảm biến dự báo chống ngập để lắp đặt tại năm vị trí thường bị ngập nặng mỗi khi có mưa lớn.

    Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, cùng với xu hướng phát triển khoa học công nghệ của thế giới và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tại thành phố đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư mạnh vào lĩnh vực MEMS. Công nghệ MEMS ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp ô-tô, hàng không vũ trụ và gần đây là lĩnh vực sinh học và y tế. Do đó, thành phố cần nhanh chóng đề ra các chính sách phù hợp để thu hút những đối tác tiềm năng cùng thực hiện các hoạt động hợp tác đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ và cùng triển khai các dự án đầu tư nghiên cứu - sản xuất, thương mại hóa sản phẩm MEMS.

    Chủ tịch Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI) khu vực Đông - Nam Á Cai Phai cho rằng, tiềm năng, cơ hội sản xuất thiết bị vi cơ điện tử ở Việt Nam, nhất là tại TP Hồ Chí Minh rất lớn. Tuy nhiên, hạn chế là thiếu cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng để phát triển MEMS. Để đạt kết quả tốt trong thời gian tới, thành phố cần tập trung thực hiện các chính sách ưu tiên để phát triển trở thành trung tâm công nghệ cao. Trong đó, hướng đến mở rộng chuỗi cung ứng MEMS thông qua liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài. Từ kết quả liên kết này, mở rộng cơ sở sản xuất MEMS, mở rộng chuỗi cung ứng điện tử phục vụ thị trường trong nước và cho cả khu vực.

    Ông K.Na-ka-mu-ra, chuyên gia tại SHTP cũng đề cập: Thời gian qua, thành phố đã nỗ lực phát triển lĩnh vực vi cơ điện tử và mang lại những kết quả nhất định. Thời gian tới, thành phố phát triển lĩnh vực MEMS cần gắn với sự phát triển của thành phố thông minh. Bởi, khi ứng dụng các thiết bị MEMS sẽ giúp thành phố giải quyết được nhiều vấn đề hạn chế hiện nay như dự báo, giám sát ngập nước, giao thông hay các vấn đề khác về kinh tế - xã hội, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân…

    Theo “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, mục tiêu tổng quát đặt ra cho toàn giai đoạn là: Xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thành phố theo hướng lấy dịch vụ, công nghệ thiết kế trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại làm trọng tâm; từng bước đưa sản phẩm vi mạch do các đơn vị trong nước nghiên cứu, sản xuất vào ứng dụng trong các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, thu hút nguồn nhân lực cao cấp trong nước và ngoài nước, nhất là nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố nói riêng và đất nước nói chung. Từng bước tiếp cận, làm chủ một số công nghệ mới và tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, nhất là các lĩnh vực liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

    Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch phát triển. Trong đó, đối với các dự án sản xuất vi mạch điện tử, mạch tích hợp, cảm biến được thành phố đưa vào chương trình kích cầu đầu tư với mức hỗ trợ lãi suất vay vốn cho mỗi dự án là 200 tỷ đồng…

    Zalo
    Hotline